Tin tức

Ba thách thức lớn của ngành dệt may trước CPTPP

Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khả năng cao sẽ có hiệu lực từ năm 2019, mở ra nhiều cơ hội bứt phá xuất khẩu cho ngành dệt may, song cũng buộc ngành này phải đối mặt với không ít thách thức nổi cộm.

 

CHỈ MAY KIM LONG


Hiệp định CPTPP và EVFTA mở ra nhiều cơ hội về thị trường cho xuất khẩu dệt may. Ảnh: Nguyễn Thanh


Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Hiệp định CPTPP-EVFTA: Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức sáng ngày 18/7, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay: CPTPP sẽ tạo ra sân chơi có tính toàn diện, rộng mở hơn cho ngành dệt may. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng tạo ra lực hút các nhà đầu tư bên ngoài vào lĩnh vực nguồn cung của phụ liệu dệt may vốn đang thiếu hụt. 

"Trên thực tế, ngay trong nửa đầu năm nay, dòng vốn đầu tư từ khu vực FDI và khu vực trong nước vào lĩnh vực nguồn cung phụ liệu của ngành dệt may đã có sự chuyển dịch khá nhanh chóng rồi", ông Giang nói.

Dù vậy, ông Giang nhấn mạnh, có ba thách thức lớn đối với toàn ngành trước CPTPP. Thứ nhất, nếu cộng đồng doanh nghiệp không có tầm nhìn trong xây dựng chuỗi liên kết thì sẽ không lấy được lợi ích từ hiệp định này. "Trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các điều khoản đòi hỏi rất khắt khe chứ không như ta tưởng, cứ có FTA là có lợi ích. Vì vậy, chúng ta cần có nguồn lực tốt đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi", ông Giang nhấn mạnh. 

Thách thức thứ hai theo ông Giang là vấn đề công nghệ bởi nếu không tập trung đầu tư cho công nghệ, đầu tư chuẩn mực cho phát triển dệt may bền vững thì dệt may Việt Nam không có khả năng cạnh tranh được.

Thách thức thứ ba là các điều khoản trong CPTPP đòi hỏi quy tắc xuất xứ chặt chẽ "từ sợi trở đi". Doanh nghiệp dệt may phải đạt được các điều khoản chuẩn mực trong đánh giá của đối tác.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu quan điểm: Xuất nhập khẩu nói chung, dệt may nói riêng đang trong bối cảnh đặc biệt. Cơ hội gần nhất là CPTPP đã ký kết, hy vọng thực thi trong năm 2018. FTA Việt Nam-EU (EVFTA) có thể ký kết cuối năm nay. Tất cả mở thêm cơ hội thuận lợi về thị trường cho xuất khẩu dệt may. Tuy nhiên, đồng quan điểm với ông Giang, ông Hải nhấn mạnh, nếu không thể đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ thì doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội, các FTA sẽ trở nên vô nghĩa. 

Theo ông Giang, muốn tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, EVFTA hay các FTA nói chung, đảm bảo phát triển bền vững, doanh nghiệp trong ngành dệt may cần tìm cho mình hướng đi chiến lược, xây dựng chuỗi hợp tác, xây dựng chuỗi công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm đảo bảo khả năng giao hàng nhah, chất lượng ổn định. "Khách hàng hiện nay cho rằng chất lượng là điểm không thể đàm phán, rất khắt khe, phải tuân thủ được điều đó, doanh nghiệp mới có sân chơi ổn định. Từng doanh nghiệp phải tự đưa ra chiến lược phát triển cho mình", ông Giang nói. 

Nguồn: Thanh Nguyễn - Báo Hải Quan