Tin tức

Dệt may Việt Nam giữa xung đột thương mại Trung – Mỹ

Mỹ chiếm 49% tổng xuất khẩu mỗi năm trong khi dệt may Việt Nam từ 7 năm nay không nhập siêu với Trung Quốc

CHỈ MAY KIM LONG

 


Ngành dệt may Việt Nam đang có “một lý lịch sạch” do không bán phá giá, không có trợ cấp.

 

“Ngành dệt may Việt Nam đang có “một lý lịch sạch” do không bán phá giá, không có trợ cấp”, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, cho biết, tại một hội thảo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hôm 18.3.

Thế nhưng, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc dữ dội như hiện nay, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, cảnh báo, “dệt may Việt Nam có thể phải hứng chịu xu hướng bị lợi dụng về mặt danh nghĩa”.

Ông Hải cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung như một “đặc điểm của bức tranh thương mại năm 2018”. Ông khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may “chú trọng vấn đề này”, chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị ứng phó với những diễn biến bất thường của thị trường thế giới, trước hết là xu hướng bảo hộ.

Cần sớm điều chỉnh tỷ giá

Xung đột thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt nóng những ngày gần đây. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nói với NCĐT: “Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên cân nhắc việc sớm điều chỉnh tỷ giá”.

Điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam, ông Giang nói “nên đạt con số khoảng 24-25.000 đồng/USD” và khi đó sẽ tạo tác động tích cực đến 3 yếu tố.

Thứ nhất, các sản phẩm xuất khẩu ra thị trường toàn cầu với giá tốt hơn.

Thứ hai, thu hút dòng đầu tư FDI vào phần cung thiếu hụt trong nước.

Thứ ba, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư bền vững

Trên thực tế, Trung Quốc bị Mỹ áp 25% thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ, mà còn xuất sang Nhật Bản, châu Âu và nhiều thị trường khác.

Chủ tịch VITAS cho biết, đồng Nhân dân tệ vẫn xu hướng giảm giá, trên 4% chỉ trong tháng vừa qua. “Điều làm tôi lo lắng nhất là Trung Quốc sẽ phá giá đồng Nhân dân tệ để có giá sản phẩm tốt hơn, cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam”, ông Giang nói. “Nếu giữ tỷ giá ở mức hiện nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với Trung Quốc về giá. Việc nhanh chóng điều chỉnh tỷ giá có thể tạo hiệu ứng tích cực lên khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may”.

Dệt may không nhập siêu

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng trưởng đều ở hầu hết các thị trường lớn trong nửa đầu năm. Theo đó, Mỹ vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 63 tỷ USD, tăng 10% chiếm tỷ trọng 46,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc suýt soát mức 50%.

Det may Viet Nam giua xung dot thuong mai Trung – My

 



Kết quả này đã kéo theo những quan ngại về việc Trung Quốc, do đến nay vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 6 tháng đầu năm 2018, đạt 31,1 tỷ USD, tăng 15,6% với các mặt hàng chủ đạo là vải, điện thoại và linh kiện.

“Tôi khẳng định ngành công nghiệp dệt may Việt Nam không nhập siêu từ 7 năm nay”, ông Giang nói và cho biết, chính phương thức bán hàng FOB và ODM đã làm cho thị trường thay đổi nhanh, làm thặng dư thương mại ngành dệt may tăng lên góp phần triệt tiêu nhập siêu.

Hiện nay đầu vào của ngành dệt may không chỉ đến từ thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, với vải, các doanh nghiệp dệt may đã mua của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia...  VITAS đã liên tục tìm kiếm các nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho  phần cung thiếu hụt, giúp giảm nhập khẩu bởi đó là một trong những yếu tố quan trọng để giảm giá thành sản phẩm xuất khẩu.

Thêm nữa, Việt Nam đang thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do. Các hoạt động sản xuất trong nước và xuất khẩu phải đảm bảo sự phát triển bền vững của các hiệp định này. Ví dụ, FTA CPTTP đòi hỏi xuất xứ từ sợi, vải,  nếu doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ không đáp ứng được yêu cầu này.

Thậm chí, theo ông Giang, đang có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam. Họ mua sợi, vải và sản phẩm quần áo từ thị trường Việt Nam do giá rẻ hơn thị trường trong nước. Dù vậy, ông Giang cũng nói: “Trung Quốc có thị phần, nhưng không mang tính toàn diện đối với thị trường dệt may Việt Nam”.

Trên thực tế, trong phần mua nguyên liệu đầu vào của dệt may Việt Nam, Đồng nhân dân tệ chỉ chiếm một phần nhỏ, trong giá thành sản phẩm còn có nhiều yêu tố khác, nên doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu chỉ “lợi một phần” khi đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh.

“Chúng ta đừng kỳ vọng quá nhiều vào việc đồng Nhân dân tệ giảm giá”, ông Giáng nói. Theo quan sát của ông, Trung Quốc sẽ có rất nhiều giải pháp cho việc điều chỉnh đồng Nhân dân tệ, cũng như kết cấu thị trường của họ.

Bây giờ, VITAS đang theo dõi sát diễn biến xung đột thương mại Mỹ - Trung để khuyến cáo đến các doanh nghiệp những giải pháp phù hợp, chỉ nhập khẩu những nguyên liệu có thể mang lại hiệu quả và tránh nhập khẩu những nguyên liệu có rủi ro cao, dù giá rẻ.

Nguồn: Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư